Hội Thảo Phổ Biến Sửa Đổi 1:2023 QCVN06:2022/BXD Về An Toàn Cháy Cho Nhà Ở Và Công Trình
Ngày 10/01/2024, tại Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo phổ biến Quy chuẩn sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD về an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình.
Trung tâm Truyền thông Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan cùng tổ chức Hội thảo nhằm tuyên truyền phổ biến các quy định mới của Quy chuẩn sửa đổi về công tác PCCC. Vietcotek vinh dự là đơn vị tài trợ cho chương trình
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường– Bộ Xây dựng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sỹ Nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng; Tiến sĩ Phạm Phú Cường –Trưởng khoa xây dựng – Trường Đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh;Ông Huỳnh Phạm Việt Chương – Trưởng ban đào tạo Phân viện miền Nam, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Đồng chí Đại tá, Thạc sỹ Huỳnh Quang Tâm – Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/11/2022, có hiệu lực từ ngày 16/01/2023. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân gặp khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng quy chuẩn này.
Ông Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) giới thiệu những nội dung cơ bản của Quy chuẩn sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022.
Phó Vụ trưởng Lê Minh Long nhấn mạnh, Bộ Xây dựng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được ban hành.
Đối với lần sửa đổi QCVN 06:2022/BXD này, các đơn vị thực hiện đã đề cập rõ nét hơn giải pháp đảm bảo an toàn cháy, thoát nạn khi cháy xảy ra; vai trò của các địa phương trong việc ban hành nội dung liên quan đến cấp nước, đường giao thông cho xe chữa cháy…
Thời gian vừa qua trên cả nước, đã xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản và con người.
Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, góp ý từ các nhà tư vấn, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp để ban tổ chức tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.
Đồng thời các nội dung góp ý phản biện cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các ấn phẩm của Báo Xây dựng nhằm phổ biển, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiêp, cá nhân có thêm thông tin về nội dung sửa đổi Quy chuẩn 06 về PCCC và áp dụng đúng Quy chuẩn này.
Qua đó làm rõ những vướng mắc khi áp dụng quy định trong thực tiễn.
Tại hội thảo, Đồng chí Đại tá, Thạc sỹ Huỳnh Quang Tâm – Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC khi áp dụng QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình trên địa bàn Thành phố, cụ thể:
Khi thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Phần lớn những nhà, công trình hiện hữu như nhà ở chuyển đổi công năng kinh doanh, các công trình đã xây dựng và đang hoạt động có hoạt động cải tạo, sửa chữa khó có thể đáp ứng tất cả quy định của Quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng như:
- Chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau khi công trình xây dựng xong thì tiến hành chuyển đổi công năng thành văn phòng, khách sạn,…
- Các công trình này không đáp ứng được yêu cầu về lối thoát nạn do các yêu cầu nhà liên quan đến việc phá dỡ, cải tạo, thay đổi kết cấu sàn, tường chịu lực của nhà, ảnh hưởng đến kết cấu, chịu lực và các vấn đề khác liên quan đến xây dựng kỹ thuật của ngôi nhà
- Trữ lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy hầu hết không đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật do không còn diện tích, không gian để bố trí
- Các nội dung đề nghị thẩm duyệt của chủ đầu tư không phù hợp với giấy phép xây dựng: Chủ đầu tư sau khi thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế, cải tạo các nội dung lấp các ô thông tầng, mở rộng mái che, diện tích nâng thêm tầng.
- Các nội dung này làm thay đổi các chỉ tiêu về quy mô, mật độ xây dựng của công trình, không phù hợp với giấy phép xây dựng đã được duyệt, không đủ cơ sở để cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện thẩm duyệt về PCCC.
Trong công tác nghiệm thu về PCCC: - Chủ đầu tư không chuẩn bị được đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định (thiếu kiểm định sơn chống cháy, van ngăn lửa, vật liệu bọc quạt, vật liệu hoàn thiện trang trí tường, trần trên đường thoát nạn…)
- Một số đơn vị thi công còn hạn chế về năng lực chuyên môn do đó không tư vấn trước đầy đủ những quy định về thành phần hồ sơ cho chủ đầu tư, hoặc thi công không đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt; một số chủ đầu tư cố tình cắt giảm các hạng mục hoặc tận dụng tối đa diện tích (cơi nới, lấp ô thông tầng) hoặc bố trí lại mặt bằng kiến trúc mà chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chuyên môn về xây dựng.
Nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách với tinh thần trách nhiệm cao, trên tinh thần đồng hành cùng các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo an toàn PCCC cho các cơ sở nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí không hợp thức hóa sai phạm, vận dụng linh hoạt các quy định về PCCC của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC của các Bộ, ngành, Công an Thành phố đã tổng hợp được một số kết quả cụ thể như sau:
Đã tham mưu cho Công an Thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố Văn bản về tổng hợp báo cáo những nội dung khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố ngoài thẩm quyền giải quyết đề nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn giải quyết.
Tổ chức Hội nghị của Công an thành phố vào ngày 12/4/2023 để triển khai đến các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tại Văn bản số 1091/C07-P3,P4,P7 ngày 11/4/2023
Trong đó có các hướng mở cho người dân và doanh nghiệp trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC như:
- Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
Đối với công trình đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế PCCC theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo phiên bản quy chuẩn QCVN trước thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó.
Khuyến khích áp dụng phiên bản QCVN 06 hiện hành.
Công trình đã được thẩm duyệt theo QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336, TCVN 5738 phiên bản trước, nay thẩm duyệt điều chỉnh hoặc cải tạo mà thiết kế điều chỉnh, cải tạo không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì cho phép lựa chọn áp dụng phiên bản QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336, TCVN 5738 tại thời điểm cấp giấy thẩm duyệt để thẩm duyệt điều chỉnh mà không phải sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để không làm thay đổi giải pháp an toàn cháy tổng thể của công trình, ngoại trừ các trường hợp chuyển tiếp đã được quy định cụ thể trong từng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đề xuất áp dụng một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới ban hành có yêu cầu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì có thể nghiên cứu để thẩm duyệt theo nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
Các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC với giải pháp bọc bảo vệ kết cấu theo Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD mà trong QCVN 06:2022/BXD không còn quy định thì khi nghiệm thu không yêu cầu phải kiểm định cho các kết cấu bọc bảo vệ này mà chỉ kiểm tra việc thi công phù hợp với thiết kế được duyệt và quy định tại Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD.
Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy: hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung tính toán thiết kế kết cấu chịu lực công trình trong điều kiện làm việc chịu lửa, thực hiện bởi đơn vị tư vấn, cá nhân tư vấn bảo đảm điều kiện, năng lực theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả tính toán; sau đó căn cứ điều kiện thực tế đã thiết kế, thi công của từng dự án, công trình (kết quả tính toán thiết kế chịu lửa, loại sơn chống cháy đã sử dụng, hiện trạng thi công công trình) để có phương án tháo gỡ như: thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng hoặc sử dụng các giải pháp bọc bảo vệ khác cho kết cấu.
Tổ chức 03 Hội nghị của Công an thành phố hướng dẫn cho 1.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC hoạt động ngành nghề tư vấn thiết kế về PCCC các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tham dự 03 cuộc tọa đàm trao đổi, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng do Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Báo Sài gòn giải phòng tổ chức.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng PC07 đã thành lập Tổ đặc biệt để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu do đồng chí Trưởng phòng PC07 làm tổ trưởng, Tổ công tác đã tiếp nhận 678 tin đề nghị tháo gỡ, khó khăn vướng mắc qua điện thoại, email, trang web, zalo, ứng dụng Help114 và đã chuyển các đơn vị có liên quan giải quyết (tỷ lệ đã được giải quyết là 82,4%, số còn lại do vướng về vi pham xây dựng, không thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng cảnh sát PCCC, chúng tôi đã chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định). Tổ Công tác đã trực tiếp tiếp nhận và tiến hành kiểm tra thực tế, hướng dẫn hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 24 công trình.
Đồng thời Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH là các đơn vị phối hợp biên soạn với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng
Bộ Xây dựng để ban hành Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD và có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Nội dung sửa đổi có rất nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn công tác PCCC tại Việt Nam như:
Đối với nhà dân dụng: cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 (cầu thang sắt ngoài nhà) làm cầu thang thoát nạn trong nhà cao từ 28m đến 50m
- Không yêu cầu giới hạn chịu lửa của đường ống hệ thống bảo vệ chống khói khi ống được làm bằng thép mạ kẽm dày tối thiểu 1,2mm và được bảo vệ bằng hệ thống sprinkler;
- Đối với nhóm nhà bệnh viện, phòng khám cho phép bố trí công năng chính tại các tầng có chiều cao PCCC lớn hơn 28m hoặc quá 9 tầng nhưng tối đa 50m bằng các giải pháp quy định trong quy chuẩn này mà không yêu cầu có luận chứng được Bộ Xây dựng và Bộ Công an đồng ý
- Điều chỉnh chiều rộng vế thang theo hướng giảm chiều rộng bản thang tại Điều 3.4.1;
- Cho phép sử dụng thang rẽ quạt khi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của Điều 3.4.4
- Cho phép sử dụng cửa trượt, cửa xếp trên lối ra thoát nạn tại một số trường hợp tại Điều 3.2.3
- Cho phép lối ra từ tầng hầm đi qua sảnh chung đối với nhà có chiều cao PCCC dưới 28m khi có lối vào buồng thang bộ tại tầng hầm đi qua khoang đệm ngăn cháy loại 1…
Đối với nhà xưởng, kho: hệ thống chữa cháy ngoài nhà đã điều chỉnh thời gian chữa cháy thành 1 giờ đối với các nhà xưởng, kho có yêu cầu lưu lượng cấp nước ngoài nhà đến 20l/s
- tăng bán kính bảo vệ của trụ nước chữa cháy phục vụ chữa cháy ngoài nhà lên 400m;
- Làm rõ quy định khoảng cách PCCC tại phụ lục E của quy chuẩn;
- Không yêu cầu hút khói đối với nhà xưởng, nhà kho hạng sản xuất D, E
- Điểu chỉnh hướng mở rộng khoang cháy của một số loại hình kho, xưởng…
Mặt khác, theo quy định của Nghị định số 136/2020-NĐ-CP, các công trình hiện hữu đã được thẩm duyệt, nghiệm thuvề PCCC, nay tiến hành cải tạo, bố trí ngăn vách trong công trình theo quy định cũng phải được thẩm duyệt, nghiệm thu đối với phần cải tạo.
Nội dung này có thể gây mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp do đó để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp liên quan đến việc cải tạo bên trong công trình Công an thành phố đã kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC&CNCH góp ý sửa đổi Nghị định số 136/2020-NĐ-CP trong đó đề nghị cần làm rõ đối tượng cải tạo như thế nào mới yêu cầu thẩm duyệt cải tạo.
Khi nghị định sửa đổi ban hành, Công an Thành phố sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung nêu trên.
Ông Dương Công Đức – giám đốc công ty Vietcotek cũng trao đổi với phóng viên VTV9 về: các thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng QCVN 06:2022, theo thông tư 09, sửa đổi lần 1.